NHỮNG KINH NGHIỆM KHI ĐI DU LỊCH HÀ NỘI: THÔNG TIN DU LICH HÀ NỘI, ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG CỦA HÀ NỘI, CẨM NANG DU LICH ÀH NỘI. DANH LAM THẮNG CẢNH ĐIỂM DU LỊCH KHÓ QUÊN
Hà Nội nổi tiếng về sành ăn, vì vậy, ca dao mới có câu: Bánh cuốn Thanh Trì, bánh gì (giầy) Quán Gánh - Bánh giầy làng Kẻ, bánh tẻ làng So - Bánh đúc làng Kẻ, bánh tẻ làng Diễn - Giò chèm, nem Vẽ - Dưa La, cà Láng; Nem Báng, tương Bần; Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét - Cháo Dương, tương Sủi - Tương Nhật Tảo, Đào Nhật Tân... Ngay từ thế kỷ XIX, dân gian đã có câu "Ăn Bắc, mặc Kinh" (Bắc ở đây là Bắc Ninh, còn Kinh là Hà Nội). Các món ăn địa phương đặc biệt này do các hàng rong ở các vùng ngoại vi chế biến và mang vào bán ở Hà Nội.
Trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường (1942), nhà văn Thạch Lam đã đề cập bánh cuốn, bún riêu, bún bung, bún ốc, bún chả, cốm vòng, bánh tôm và nhất là phở bằng tất cả những cảm nhận đặc biệt về vị ngon của từng món ăn. Thạch Lam đã thốt lên hai câu thơ khi ngửi thấy mùi bún chả: "Ngàn năm bảo vật đất Thăng Long, Bún chả là đây có phải không?" Đối với Thạch Lam, "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Theo ông, phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ". Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối". Ngày nay, phở được xem như là món ăn thuần tuý Việt Nam, đúng hơn của Hà Nội hay miền Bắc (qua tên gọi phở Bắc).
Thật ra, phở mơí có cách đây khoảng một thế kỷ: nó chưa được ghi trong tự điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) và Genibrel (1898). Ngay cả cái tên "phở" cũng cũng chỉ là âm của chữ (phấn), đọc theo giọng Quảng Đông, trong tên của món ăn "ngưu nhục phấn" gồm thịt bò (ngưu nhục) và bánh phở (phấn). Từ đầu những năm 1940, bên cạnh phở bò còn có phở gà, nhưng theo Thạch Lam, "sự cải cách ấy hình như không được hoanh nghênh". Với cuộc di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam sau Hiệp định Genève (1954), phở mới thực sự bắt đầu cuộc "Nam tiến", trở thành món ăn được ưa chuộng trong cả nước. Từ Nam chí Bắc, phần lớn các quán ăn hai bên đường thường mang bảng hiệu "cơm phở". Cũng phải nói thêm rằng, ở miền Nam và đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, món phở được biến đổi khá rõ nét: có thêm giá nhúång và các loại rau thơm như húng quế, mùi tàu..., nhưng lại thiếu hành hoa. Riêng ở Paris, một số hiệu còn chế ra món "phở đặc biệt", ngoài thịt tái và thịt chín, còn bỏ thêm vào bò viên, dạ lá sách.
Trong cuốn Miếng ngon Hà Nội (viết trong khoảng từ 1952-1959), nhà văn Vũ Bằng đã không tiếc lời ca ngợi những món ăn như chả cá, tiết canh (lợn, vịt, chó...), thịt chó, bún thang, gỏi cá sống và rươi. Do sự đa dạng của cách nấu nướng cũng như của các loại gia vị được dùng (húng, lá mơ, giềng, sả, mẻ, mắm tôm...), các món thịt chó chừng mực nào đó được xem là biểu tượng của bếp núc miền Bắc, nhất là từ Đèo Ngang trở vào, thịt chó không mấy được ưa chuộng dù hơn 40 năm qua người miền Bắc vào lập nghiệp khá đông. Trước đây, món ăn chế biến bằng rươi (chả rươi, rươi hấp, rươi rang và nhất là mắm rươi) cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra nét nghệ thuật độc đáo của nghệ thuật ăn uống miền Bắc. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, rươi chỉ có nhiều ở các tỉnh duyên hải phía Bắc, từ Quảng Bình trở ra. Thế nhưng, hiện nay món rươi gần như biến mất ở Hà Nội.
Từ năm 1954 đến cuối những năm 1980, mĩ vị pháp ở miền Bắc có phần suy thoái do hậu quả của chiến tranh, chính sách tập thể hoá. Khoảng mười năm trở lại đây, chính sách đổi mới đã nâng cao rõ rệt mức sống của nhân dân. Kết quả là cảnh quan ẩm thực của Việt Nam biến đổi nhiều. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, bên cạnh món cơm "bình dân" chỉ bán những món ăn gia đình truyền thống như cá kho, đậu phụ rán, thịt lợn luộc... thì trong các nhà hàng sang trọng, thực khách thường yêu cầu những món ăn mang nét Trung Quốc như chim quay, cá chua ngọt, cua rang muối... thay vì các món ăn đặc biệt của Hà Nội xưa. (Theo TBDL)
Giao thông
Từ thủ đô Hà Nội, có thể đi khắp mọi miền đất nước bằng một hệ thống giao thông thuận tiện.
Đường không: có sân bay quốc tế Nội Bài (thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố chừng 35km). Cùng với Nội Bài còn có sân bay Gia Lâm (cách Hà Nội chừng 8km), vốn là sân bay chính của Hà Nội từ trước những năm 70 thế kỷ 20. Bây giờ nơi đây là ga sân bay trực thăng sẵn sàng phục vụ cho du khách những tour du lịch tới các điểm tham quan hấp dẫn.
Đường bộ: Xe ô tô khách liên tỉnh xuất phát từ các bến xe phía Nam, Kim Mã, Gia Lâm toả đi khắp mọi miền trên toàn quốc theo các quốc lộ 1A xuyên Bắc - Nam; quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang; quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, Cao Bằng; quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh; quốc lộ 6 đi Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu…
Đường sắt: Hà Nội cũng là đầu mối giao thông đường sắt trong nước và có đường sắt liên vận sang Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi đi Châu Âu...
Đường thuỷ: Hà Nội cũng là đầu mối giao thông quan trọng với bến Phà Đen đi Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì : có bến Hàm Tử Quan đi Phả Lại.
Thông tin về du lịch HÀ NỘI & MIỀN BẮC:
Quý khách liên hệ Trung tâm tư vấn cung cấp thông tin & chương trình du lịch miễn phí:
Công ty du lịch Hoa Sen Châu Á – Asia Lotus TRAVEL
Tel: 08.3758 1056 Fax: 08.3758 0528
Website: http://www.HoaSenChauA.Com
Mail: DuLich@HoaSenChauA.com
Địa chỉ: C11/33 Phạm Hùng, Bình Hưng, Bình Chánh, Tp.HCm
TRANG WEBSITE DU LỊCH HỮU ÍCH
CẨM NANG DU LỊCH ĐỜI SỐNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét